3 món dưa muối trong ngày Tết

Dưa cải chua của người Bắc, dưa món miền Trung, dưa kiệu miền Nam là  3 món ăn dân dã nhưng không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Dưa hành ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ, cái vị chua chua mặn mặn của nó lan tỏa trong từng vị giác.

Dưa hành bình dị, dân dã nhưng cần phải khéo léo trong việc lựa chọn và chế biến nguyên liệu. Hành là thành phần chính của món ăn, được lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt bỏ rễ và muối chua.

Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được những củ hành có màu trắng ngà, giòn mà không ủng nước, không có vị hăng… phải có những bí quyết riêng. Chọn hành để muối, chỉ nên chọn những củ hành nhỏ, khi muối dễ thấm, lại dễ ăn kèm với những món khác.

Dưa hành với vị chua chua giòn giòn khi ăn với bánh chưng rất ngon miệng.

Nếu dưa hành góp mặt trong ngày Tết của người miền Bắc, thì dưa món là thành phần không thể thiếu trong ngày đầu năm của người miền Trung. Khác với dưa hành chỉ có một nguyên liệu duy nhất, dưa món của người miền Trung là sự pha trộn của nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu… được ngâm chua mặn, khi ăn lại hơi giòn giòn.

Nước mắm để làm dưa món cũng rất quan trọng, gồm có nước mắm, đường cát và nước lạnh, được nấu sôi và để nguội. Rửa sạch lọ thủy tinh và lau khô, xếp các nguyên liệu vào trong lọ, nếu muốn ăn cay thì cho thêm vài quả ớt phơi khô vào. Sau đó đổ nước mắm đã nấu vào ngập mặt dưa rồi đậy nắp lại. Dưa món để trong khoảng 3 ngày là có thể dùng được.

Dưa món phong phú với nhiều nguyên liệu khác nhau, khi ăn có vị mằn mặn và hơi giòn.

Trong những ngày Tết, trong bàn ăn gia đình, đĩa dưa món không thể thiếu khi ăn kèm bánh tét. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, một hương vị rất riêng của ngày Tết.

Củ kiệu ngâm chua ngot là món ăn đặc trưng của người miền Nam trong ngày Tết đến.

Nhắc đến cái Tết của người miền Nam, ngoài những món như bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt… thì củ kiệu ngâm chua là món ăn đặc trưng trong ngày Tết ở đây. Không như dưa món của người miền Trung dùng để ăn với bánh tét, củ kiệu của người miền Nam là một món ăn hoàn toàn riêng biệt. Một đĩa củ kiệu thêm ít tôm khô, đường cát trắng cùng vài lát hột vịt bắc thảo là cánh phụ nữ và trẻ em đã có món ăn ngon cho ngày Tết. Riêng với cánh đàn ông, chỉ cần đĩa củ kiệu điểm xuyết vài con tôm khô là cũng đủ kéo dài câu chuyện bên những ly rượu mừng xuân.

Chế biến củ kiệu rất đơn giản. Củ kiệu tươi mua về ngâm qua nước tro một đêm để giảm bớt mùi hằng. Sau đó làm sạch rễ và lá, cho lên trên mâm hoặc cái sàng và đem phơi, nếu trời nắng to chỉ cần phơi trong một buổi là được. Cho củ kiệu vào lọ thủy tinh, một lớp kiệu một lớp đường cát trắng, đậy kín lọ lại để kiệu tự ra nước, trong khoảng từ mười ngày đến hai tuần là dùng được. Củ kiệu được kết hợp với tôm khô tạo thành một món ăn rất ngon miệng với vị chua ngọt lại bùi bùi rất đặc trưng và ngon miệng.

Có thể khác nhau về nguyên liệu, cách chế biến và thưởng thức, nhưng đó là những món ăn không thể thiếu trong bàn ăn của người Việt ngày đầu năm mới. Chỉ cần nghe thoang thoảng hương thơm của dưa hành, cái vị mằn mặn của dưa món hay chua chua của củ kiệu, thì người Việt dù ở đâu và đang làm gì cũng có thể nhận biết rằng, ngày Tết đã về trên quê hương.

0932377057